Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà
Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các
bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng
các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Thánh Matthêu thuật
lại : khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ : Chúa đã sống lại rồi, các
ông cũng hoài nghi. Rồi, “khi thấy Người,
các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Riêng Tôma đã
nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy
dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn
tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm
chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.
Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt
tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm
nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói
suông. Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. Ông là người có
tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai
nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Đây phải chăng là thái độ
khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi
Tôma? Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường
Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.
Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã. Tôma chỉ tin những điều hợp lý,
những gì ‘thấy được, sờ được'. Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà
ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe. Đó là lối
phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức
tin của nhiều người chúng ta. Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của
Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại. Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến
và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa. Ngài mời gọi ông hãy tin vững
vàng. Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng 'lạy
Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi'. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Tôma sự
bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân
của mình : "Lạy Thiên Chúa của con". Sau khi nhận lãnh Chúa
Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Theo lưu truyền, ông đi rao giảng
đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.
Thần học gia Hans Kung nói: "Người
tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi".
Nhà thần học Paul Tillich nói: "Sự hoài
nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất
nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "Người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải
là người có niềm tin". Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp,
nói: "Chính vì nghi ngờ thường trực
mà tôi lại có thể tin vững". Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng
ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều
ấy. Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc,
tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở. (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Ảnh: Internet
Chúa Nhật II Phục Sinh Năm
C – Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
Vào buổi chiều ngày thứ nhất
trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái,
Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các
con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy
giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng:
"Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".
Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy
Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai,
thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma
gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ
khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã
nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu
tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn
Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại
họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín,
Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn
Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy
đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy
tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"
Giêsu còn làm nhiều phép lạ
khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều
này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên
Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Đó là lời Chúa.
0 comments:
Đăng nhận xét