Tại sao khi sống lại, Chúa Kitô lại hiện ra cho các bà
trước khi hiện ra cho các tông đồ?
Có một lần đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong một buổi tiếp kiến dành cho
một nhóm phụ nữ, đã đặt lên câu hỏi tương tự cho các bà. Nhưng mấy bà chưa kịp
suy nghĩ thì Ngài đã trả lời luôn: tại vì mấy bà bép xép hay nói. Nếu mà Chúa
hiện ra với mấy ông trước, thì mấy ông chỉ gật gù hay cùng lắm là rủ nhau vào
quán nhậu một chầu tán gẫu là hết; còn hiện ra với mấy bà thì chẳng mấy chốc mà
tin đồn vang tới mọi hang cùng ngõ hẻm. Chúa rành tâm lý lắm! Dĩ nhiên là các
bà nghe như vậy thì đắc chí cười ồ lên. Nhưng đó là chuyện xảy ra cách đây hơn
30 năm rồi, vào thời mà phong trào phụ nữ còn yếu. Ngày nay, nếu Giáo hoàng nào
mà còn dám lý luận như vậy nữa thì chắc là sẽ bị phong trào nữ giới kiện ra toà
án nhân quyền vì lỗi kỳ thị phái nữ. Do đó mà chúng ta thấy cần phải đi tìm câu
trả lời khác, làm sao để mà tránh được sự kỳ thị phái tính, và nếu có thể được
thì gắng bồi thường danh dự của mấy bà đã bị xúc phạm từ mấy chục thế kỷ qua.
Danh dự của phụ nữ đã bị xúc phạm như thế nào?
Ta hãy lật lại những trang viết về phụ nữ trong xã hội Do thái thời Chúa
Giêsu thì biết. Người công chính mỗi ngày tạ ơn Chúa như thế này: “Chúc tụng Đấng đã không dựng nên con làm kẻ
ngoại, bởi vì dân ngoại không là đồ gì trước mặt Chúa hết! Chúc tụng Đấng đã
không dựng nên con làm đàn bà, bởi vì đàn bà không bị ràng buộc bởi điều răn
Chúa! Chúc tụng Chúa đã không dựng nên con làm kẻ ngu dốt, vì kẻ ngu dốt không
biết đâu là tội vạ cả!”. Sử gia Flavius Josephus cũng ghi lại tập tục pháp
đình Do thái vào thời Chúa Giêsu là trong các vụ xử kiện không nên kêu các bà
ra làm nhân chứng, bởi vì đàn bà nhẹ dạ và hay nói liều (Antiquitates Judaicae
lib.IV, 8,15). Chính trong cái bối cảnh lịch sử đó mà ta thấy cái tầm quan trọng của
việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà, sai các bà loan tin cho các tông đồ rằng
Ngài đã sống lại. Như vậy Chúa Giêsu trả lại danh dự cho các bà khi giao cho
các bà vai trò làm nhân chứng cho Ngài, vào thời buổi mà người ta coi lời của
phụ nữ không đáng tin cậy.
Chúa Giêsu có hiện ra với Đức Mẹ không?
Chúng ta đoán chắc rằng theo lẽ đương nhiên thì liền sau khi sống lại,
Chúa Kitô đã đi gặp mẹ của Ngài ngay. Tuy nhiên, Phúc âm đã yên lặng về điểm
đó. Tại sao vậy? Lý do là vì các thánh sử không chủ ý ghi lại hết tất cả các biến
cố đã diễn ra theo kiểu một ký giả viết bài tường thuật ở nhật báo hay là một
nhân viên an ninh phải thảo biên bản phúc trình. Ta đừng quên rằng khi viết
sách Phúc âm, các thánh sử cùng chia sẻ một sứ mạng mà Chúa ủy thác cho các
tông đồ, tức là rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Sách Phúc âm là một phương tiện
chính yếu để thực thi sứ mạng đó. Vì thế không lạ gì mà các thánh sử chỉ ghi lại
những lần Chúa hiện ra cho những người đã lãnh nhận ơn gọi và sứ mạng đi làm
nhân chứng.
Trong số đó những người đi làm nhân chứng có cả các bà
nữa, phải không?
Đúng như vậy. Và càng ngày, người ta càng lưu ý đến điểm này hơn. Trước
đây bởi vì các sách thần học do các ông viết, cho nên các ông chỉ để ý đến những
lần Chúa kêu gọi đàn ông, thí dụ các thánh tông đồ hay là 72 môn đệ. Từ ngày
các bà bắt đầu nghiên cứu thần học, thì các bà mới vạch ra những đường lối cách
mạng của Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu mà Chúa Giêsu chỉ kêu gọi các ông đi làm môn
đệ thì có chi khác lạ với các rabbi Do thái đâu; cái mới lạ của Giao ước mới là
ở chỗ Ngài kêu gọi cả các bà nữa, và Ngài đã thành công hơn nhiều. Bằng chứng
là khi thuật lại cảnh đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá, thánh Matthêu ở
chương 27, câu 55-56 đã viết rằng: “Có nhiều
phụ nữ đứng gần kề, những người đã theo Chúa từ Galilê và đã phục vụ Ngài,
trong số đó có Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê và Giuse, và bà mẹ của các
con ông Zebedeo”. Hai câu văn ngắn ngủi nhưng gói ghém rất nhiều điều quan
trọng. Thứ nhất, là ngay từ hồi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng giảng đạo ở Galilea,
thì đã có một số phụ nữ đi theo Ngài. Nói khác đi, ngay từ đầu sứ vụ Ngài đã gọi
cả người nam lẫn người nữ đi theo Ngài, và họ đã đáp lại tiếng gọi. Thứ hai,
các bà hơn các ông một điểm là vào hồi Chúa bị đóng đinh vào thập giá thì các
ông bỏ chạy trốn hết; chỉ còn các bà đứng lại chứng kiến; và tại vì chỉ có các
bà chứng kiến cho nên chỉ có mấy bà mới biết và có thể làm chứng được, chứ các
ông có biết gì đâu mà nói! Thứ ba, trong số biết bao phụ nữ đã theo Chúa Giêsu,
Matthêu đã nhắc đến tên của ba bà: Maria
Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê, và bà mẹ của các con ông Zebedeo. Họ đã chứng
kiến cái chết của Chúa Giêsu; họ đã chứng kiến việc an táng Chúa (chương 27,
câu 61); và họ là những người đầu tiên chứng kiến biến cố Phục sinh khi tới mộ
Chúa (28, câu 1-10). Từ đó, kết luận số một: chứng tá của các bà mạnh hơn các ông bởi vì các bà đã theo dõi chứng kiến
câu chuyện từ đầu đến cuối, còn các ông biết được điều gì là vì được các bà kể
lại cho nghe thôi. Kết luận số 2: trong cộng đồng các tín hữu của đức Kitô,
các ông hãy khiêm tốn chịu lép vế đi. Kết luận số 3: Chúa Giêsu đã thực hiện một
cuộc cách mạng xã hội quan trọng trong việc thăng tiến phụ nữ, nhưng mà trải
qua hơn hai mươi thế kỷ, Giáo hội do mấy ông điều khiển cứ muốn dìm các bà xuống.
Và lại còn bôi nhọ các bà nữa, thí dụ coi Maria
Madalena là một cô gái điếm hoàn lương.
Nói cũng hơi oan. Đâu có ai chủ ý bôi nhọ các bà đâu! Vấn đề là tại vì
thời Trung cổ, ít khi có dịp đi viếng đất thánh nên nhiều người không sành địa
lý của miền Palestina, từ đó mới có những chuyện giải thích sai. Câu chuyện như
thế này. Các Phúc âm đều kể lại cảnh một phụ nữ xức dầu vào chân Chúa đang lúc
Ngài đang dùng bữa. Bà ấy tên gì? gốc gác ra sao? Marcô (chương 14 câu 3) và
Matthêu (chương 26, câu 7) chỉ nói trống là có một phụ nữ, nhưng không cho biết
tên. Gioan chương 12 câu 3 thì nói là Maria chị của Ladarô. Dù sao thì sự việc
xảy ra ở Bêtania, vì vậy mà người ta gọi bà ta là Maria Bêtania, chị em với
Marta và Ladarô. Nhưng Luca, chương 7 câu 36 cũng có nói tới một cuộc xức dầu
tương tự, do một người đàn bà tội lỗi; vì thế không lạ gì mà người ta gắn ghép
hai cảnh với nhau. Có điều là Maria Bêtania không thể đồng hóa với Maria
Mađalêna được, bởi vì Bêtania và Magdala là hai làng hoàn toàn khác nhau. Ngày
nay, trong ngày lễ kính thánh Maria Mađalêna (22 tháng 7), bài Phúc âm không
còn phải là cảnh phụ nữ tội lỗi rửa chân xức dầu cho Chúa nữa, nhưng là cảnh
Chúa Phục sinh hiện ra với bà, và ủy thác cho bà đi loan tin cho các môn đệ biết
biến cố Phục sinh. Nói rằng Giáo hội bôi nhọ các bà, nhất là bà Maria Mađalêna,
thì cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì trong ca tiếp liên ngày lễ Phục sinh,
chúng ta đã đọc thấy những lời sau đây: Dic
nobis Maria, quid vidisti in via? Maria,
bà hãy nói cho chúng tôi nghe, bà đã thấy gì dọc đường? Phụng vụ không có hỏi
chứng nhân nào khác ngoại trừ Maria Mađalêna. Chính vì vậy mà thời Trung cổ,
Maria Mađalêna đã được mang biệt hiệu là “apostola apostolorum”, tông đồ của
các tông đồ. Maria đã được Chúa sai đi mang tin vui trọng đại cho các thánh
tông đồ, những vị mà về sau cũng lại được chính Chúa sai đi rao giảng Tin mừng
cho muôn dân. Điểm này đã được đức Gioan Phaolô II nêu bật trong tông thư về
“Phẩm giá phụ nữ” (Mulieris Dignitatem) số 16. Đâu có phải là trong suốt 20 thế
kỷ qua Mađalêna bị hạ nhục đâu! Dù sao, chúng ta cũng phải ghi ơn các nữ thần học
gia vì đã lưu ý các ông rằng các bà cũng được ơn gọi đi làm chứng nhân cho Chúa
không những như các ông mà còn trước các ông nữa. Chưa hết đâu, các nữ thần học
gia còn muốn lật ngược thế cờ, không những là cho mấy ông xuống hạng B mà còn
khẳng định rằng chính các bà mới là biểu tượng của Giáo hội Chúa Kitô. (Ta có
thể kết luận: do đó nếu các ông không biến thành đàn bà thì sẽ không đáng làm
phần tử Giáo hội Chúa Kitô). Người ta lập luận như sau: trong bốn Phúc âm,
thánh sử viết về Giáo hội nhiều nhất là Matthêu; thế nhưng người đề cao vai trò
của phụ nữ hơn hết cũng là Matthêu. Vài bằng chứng. Trong gia phả của Chúa
Giêsu, Matthêu xen tên của bốn phụ nữ, một điều hoàn toàn trái ngược với truyền
thống Do thái thời đó. Suốt tác phẩm của mình Matthêu muốn cho thấy sự đối chọi
giữa Giáo hội với Do thái giáo, vì người Do thái mù quáng không chịu nhìn nhận
những lời tiên tri đã hoàn tất nơi Đức Kitô. Sự đối chọi ấy nổi bật hơn cả vào
lúc Chúa ra đời và vào lúc Chúa sống lại. Hồi Chúa ra đời, sự đối chọi được biểu
lộ giữa các học sĩ Đông phương, tượng trưng cho dân ngoại, đến thờ lạy Chúa, đối
lại với vua Hêrôđê tìm cách giết hài nhi. Vào lúc Chúa sống lại, sự đối chọi được
tượng trưng qua nhóm các người phụ nữ, đại diện cho Giáo hội, làm chứng biến cố
Phục sinh, đối lại với các lính canh, tượng trưng cho Do thái giáo, muốn bịt miệng
lại. Kết luận: cộng đồng Kitô hữu, gồm nên bởi dân ngoại và các phụ nữ, tức là
những thành phần bị người Do thái coi khinh, thì nay được ơn đón nhận mạc khải
của Chúa. Do đó mà nếu các ông không biết xếp hàng đứng sau các bà thì cũng sẽ
bị loại. Tôi xin miễn bàn.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.
Ảnh: Internet
Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục
Sinh Năm C
"Hãy
đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".
Khi ấy, các bà vội ra khỏi
mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này
Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại
gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ.
Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp
Ta".
Đang khi các bà lên đường,
thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những
gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ
cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi
chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng
trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà
đâu". Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời
đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
Đó là lời Chúa.
0 comments:
Đăng nhận xét