Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

THÁNH CATARINA SIENA

(1347 - 1380)
Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.
Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần - giàu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.
Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.
Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 29 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.
Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.
 Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.
Trích từ NguoiTinHuu.com
Ảnh: Trần Tuấn
Thứ Hai Tuần II Phục Sinh Năm C
Ngày 29/4 Thánh Catarina Siêna
PHÚC ÂM: Ga 3, 1-8
"Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa".
Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa". Nicôđêmô thưa Chúa rằng: "Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy".
Đó là lời Chúa.
Lạy Chúa, Thánh Cataria sống một đời cầu nguyện, chiêm niệm nhưng khẳng khái trong lời nói và hăng say trong việc làm. Xin Chúa và Thánh Nữ luôn nâng đỡ con trong hành trình đức tin. Amen.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

ĐỨC TIN CỦA TÔMA

Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Thánh Matthêu thuật lại : khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ : Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi. Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.
Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma? Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.
Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã. Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì ‘thấy được, sờ được'. Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe. Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta. Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại. Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa. Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng. Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng 'lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi'. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Tôma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình : "Lạy Thiên Chúa của con". Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.
Thần học gia Hans Kung nói: "Người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi". Nhà thần học Paul Tillich nói: "Sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "Người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin". Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: "Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững". Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy. Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở. (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Ảnh: Internet
Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C – Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31
"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"
Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Đó là lời Chúa.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

LOAN BÁO TIN MỪNG

Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là người đầu tiên đi báo cho các tông đồ Tin Mừng Chúa sống lại. Tiếp đến là hai người môn đệ trên đường về Em-mau ngay lập tức quay trở lại Giê-ru-sa-lem báo tin vui cho các môn đệ khác. Rồi Chúa Phục sinh lại hiện ra với các môn đệ đang dùng bữa, truyền lệnh cho các ông hãy “đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Trong các biến cố vừa kể, qua các nhân vật liên hệ, ta nhận thấy rõ một điều: Chúa mong muốn việc Ngài sống lại trở thành niềm-vui-được-loan-báo, một niềm vui độc nhất vô nhị cần phải được loan truyền để mọi người đón nhận, được ơn cứu độ. Sứ mệnh ấy chính là hơi thở, là sự sống, là sự tồn vong của Hội Thánh ở trần gian. Hội Thánh được Chúa lập ra chủ yếu là để thi hành sứ mệnh này.
Ảnh: Internet
Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Mc 16, 9-15
"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

NGHỊCH LÝ TRONG ĐỜI

Có một định lý thật trái ngược đang hình thành trong xã hội Việt Nam. Nơi nào kinh tế còn nghèo nàn, người dân lại sống đùm bọc lẫn nhau. Lá lành đùm lá rách. Nơi nào kinh tế phát triển, người ta lại sống thờ ơ và dửng dưng với nhau. Nhà nào cũng kín cổng cao tường. Người nghèo tối lửa tắt đèn có nhau. Họ sẵn sàn phục vụ lẫn nhau, bất kể mưa nắng, bất kể ngày đêm. Họ phục vụ không toan tính. Không vụ lợi. Điều này ở người giầu không có. Người giầu sẵn sàng bố thí nhưng họ không dễ dàng cúi xuống phục vụ cho nhau. Họ không ngần ngại bỏ hàng triệu để xây những nhà tình thương, tình nghĩa, nhưng rất khó lòng mở rộng cửa đón tiếp kẻ nghèo đói, bần cùng. Người nghèo không có của nên tìm cách phục vụ lẫn nhau. Người giầu có, đi kiếm tôi tớ phục vụ. Cha mẹ không cần phục vụ con cái. Vợ chồng không cần phục vụ lẫn nhau. Con cái không cần phục vụ gia đình vì đã có những người giúp việc, những Osin phục vụ thay cho hết mọi người.

Bên cạnh sự phân hóa giầu nghèo dẫn đến tình trạng phân biệt giai cấp chủ - tớ, còn có một định lý trái ngược nơi những người có chức có quyền. Người có chức trên danh nghĩa là để phục vụ nhưng xem ra họ trở thành người được phục vụ. Họ có quyền để bảo người khác phục vụ. Tùy theo chức to, chức nhỏ. Họ đều có người trợ lý, trợ tá để phục vụ cho mình. Người quyền quý có kẻ đưa người đón. Kẻ hầu người hạ. Chức càng cao, quyền càng lớn, càng lắm kẻ để sai, để khiến. Thế nên, người ta thường tranh giành nhau chức vụ để được ăn trên người trốc và được người khác phục vụ với “mâm cao cỗ đầy”. 
Bên cạnh sự phân hóa giầu nghèo dẫn đến tình trạng phân biệt giai cấp chủ - tớ, còn có một định lý trái ngược nơi những người có chức có quyền. Người có chức trên danh nghĩa là để phục vụ nhưng xem ra họ trở thành người được phục vụ. Họ có quyền để bảo người khác phục vụ. Tùy theo chức to, chức nhỏ. Họ đều có người trợ lý, trợ tá để phục vụ cho mình. Người quyền quý có kẻ đưa người đón. Kẻ hầu người hạ. Chức càng cao, quyền càng lớn, càng lắm kẻ để sai, để khiến. Thế nên, người ta thường tranh giành nhau chức vụ để được ăn trên người trốc và được người khác phục vụ với “mâm cao cỗ đầy”.
Chúa Giêsu đã không chỉ nói các môn sinh hãy phục vụ lẫn nhau mà chính Ngài đã cúi mình rửa chân cho các môn sinh. Một hành vi khiêm tốn đến nỗi các môn sinh phải kinh ngạc, còn Phêrô sợ hãi, thốt lên: “không đời nào Thầy là Chúa, là Thầy mà lại rửa chân cho con”.
Vì việc rửa chân cho khách theo thói tục Do Thái ngày xưa chỉ dành cho tôi tớ trong nhà. Đó không phải là việc của người chủ, hay của người có chức có quyền. Thế mà, Chúa là chủ, là Thầy lại cúi mình rửa chân cho tôi tớ, cho môn sinh của mình.
Đối với phong tục Việt Nam không có tập quán rửa chân cho khách. Song le, vẫn có rất nhiều công việc phục vụ tầm thường khác đòi hỏi chúng ta phải khiêm tốn phục vụ cho nhau. Có biết bao người già yếu bệnh tật không ai nương tựa, không ai chăm sóc. Họ đang cô đơn giữa dòng đời. Họ đang sống một cuộc đời lây lất thiếu thốn tình thương. Họ đang khao khát một nghĩa cử yêu thương, kính trọng từ chúng ta. Liệu rằng chúng ta đã làm gì để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ? Có biết bao nhiêu công việc tầm thường trong gia đình như: lau chùi nhà cửa, rửa chén bát, tắm rửa, giặt giũ cho con cái đang dồn lên vai một người vợ, một người mẹ, liệu rằng ta có bao giờ cúi mình phụ giúp hay vẫn sống trưởng giả quan liêu? Có biết bao gia đình lân cận đang túng quẫn cơ cực, thiếu thốn mọi bề, liệu rằng chúng ta đã bao giờ chia sẻ cho họ một chút gánh nặng, một chút tình thương từ lòng quảng đại của chúng ta hay không? Và còn biết bao công việc không tên, không tuổi đang cần những tâm hồn quảng đại và đầy lòng khiêm tốn mới có thể thực thi, liệu rằng ta có dám can đảm để thực hiện hay chỉ ra lệnh và chỉ bảo người khác thực hiện?
Phục vụ không phải là của hạng cùng đinh, nghèo khổ mà là của những con người có trái tim yêu thương. Càng phục vụ càng làm cho phẩm giá con người của mình càng thêm cao đẹp.
Chúng ta tự hỏi: Tiêu chuẩn nào để đánh giá về giá trị và nhân cách của một con người? Phải chăng là dựa trên của cải, chức vụ? Thưa không, mà là dựa trên những việc họ làm có mang lại lợi ích cho tha nhân hay không. Có tiền nhưng bủn sỉn, keo kiệt, lại thêm xem thường người bần cùng, chỉ làm cho tha nhân khinh bỉ và loại trừ. Có chức, có quyền nhưng  lại hống hách, kiêu căng, chèn ép người thấp cổ bé miệng, chỉ làm cho tha nhân xa tránh và xem thường.
Có ai đó đã nói rằng: “Người ta chỉ thán phục người có tài ăn nói, nhưng nhân loại chỉ nghiêng mình trước một người có lòng nhân”.
Ước gì mỗi người chúng ta biết gom góp những nghĩa cử cao đẹp cho tha nhân trong cuộc sống hằng ngày thay cho sự vun quén lúa thóc đầy nhà và chuyên dùng những hàng hóa xa sỉ phẩm mà đánh mất tình bạn, tình thân. Ước gì mỗi người chúng ta biết tích lũy cho đầy lòng mình tình yêu và lòng thương xót đối với tha nhân thay cho những của cải đầy nhà mà mất đi tình hàng xóm làng giềng.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã đến trần gian để phục vụ và hiến mạng sống mình vì lợi ích nhân loại, giúp chúng con biết noi gương Ngài luôn sống quảng đại quên mình vì hạnh phúc của anh chị em chung quanh. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Ảnh: Internet
Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: "Ông là ai?" Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Đó là lời Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã đến với thế gian, Ngài dùng tất cả tình yêu để phục vụ, thậm chí Ngài đã chết cho chúng con. Xin cho con hôm nay và tương lai biết luôn nhìn lên Chúa, lấy Ngài làm gương sáng để noi theo. Amen.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

SỐNG CHỨNG NHÂN

 “Tin đạo chứ không tin người có đạo”. Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói. Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo nói. Đa số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ. Họ bỏ xưng tội rước lễ. Họ bỏ đồng đạo. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ mang danh Ki-tô hữu nhưng lại bảo rằng “đạo tại tâm” nên không thể hiện ra bên ngoài dấu chỉ là người Ki-tô hữu. Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo. Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B đã không tốt với họ. Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắc khe trong lề luật của Chúa. Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ đâu? Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu làm chứng cho Tin Mừng. Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi thù oán. Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một mình không gắn bó với giáo xứ. Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Ki-tô. Họ chính là những người có đạo nhưng không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.
Các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi chính những con người mang danh Ki-tô hữu nhưng đã không còn sống men tin mừng. Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc. Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi. Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược. Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi nhưng chứng nào tật ấy. Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.
Trường hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế. Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán. Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân. Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp. Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.
Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn. Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long. Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém đầu.
Điểm chung của các thánh Tử Đạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận kẻ làm hại mình. Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến Chúa Ki-tô. Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang bất diệt mai sau. Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng được sống lại vinh quang muôn đời. Đó là điều mà thánh Đaminh Hạnh đã xác tín, khi mà quan triều đình nói với ngài: “Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông”. Nhưng thánh Đaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: “Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được lên thiên đàng”.
Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian. Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình. Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án “tin đạo chứ không tin người có đạo”, vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Ảnh: Internet
Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48
"Đấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh".
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".
Đó là lời Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết Ngài luôn yêu thương con mà học cách đón nhận điều ấy thật khiêm tốn. Amen.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

HẠT TÁO

Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mớico thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này". Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. Nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...". Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.
Lời cầu chúc "bình an" của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng ta. Hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư xử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...
Trích sách Lẽ Sống
Ảnh: Internet
Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Đó là lời Chúa.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

YÊU ĐỂ TIN VÀ LÀM CHỨNG

 (Ga 20, 11-18)
Chuyện kể rằng: sau khi Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị bắt một thời gian, người ta không còn cách nào liên lạc được với ngài. Ngài đã đi vào cõi biệt vô âm tín. Vì thế, giáo dân nghĩ là ngài đã chết trong tù, nên nhiều người có lòng quý trọng, yêu mến và cảm phục ngài bởi nhân đức anh hùng, nhất là lòng đạo đức, nhân từ, hiền hậu và yêu thương, vì thế họ đã diễn tả lòng biết ơn và kính trọng của họ với ngài bằng cách: cầu nguyện và xin lễ cầu hồn cho ngài. Tuy nhiên, một thời gian sau, ngài được trả tự do và xuất hiện trước công chúng... Tin vui mừng này loan đi cách nhanh chóng, vì thế, chẳng mấy chốc, nhiều người đã biết được tin và họ không ngừng tạ ơn Chúa, trong số những người vui mừng nhất, có lẽ phải kể đến, đó chính là thân mẫu Đức Hồng Y.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy cảnh tang tóc, sầu thương, u buồn, tuyệt vọng đang bao phủ tâm trạng Maria Madalena! Bà buồn vì tình cảm mà bà dành cho Đấng đã yêu thương và cứu thoát bà khỏi chết, thoát ra khỏi con đường tội lỗi, ban những lời dạy tuyệt vời..., hơn nữa, sự hy vọng của bà vào Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều... sẽ đem lại cho bà một chỗ dựa vững chắc... Nhưng sau những trận đòn chí mạng, những mệt nhọc của chặng đường lên Gôngôtha, và cuối cùng là cái chết trên thập giá và được an táng trong mộ như bao nhiêu người khác... đã làm cho bà thất vọng. Sự tuyệt vọng ấy đi đến đỉnh điểm là ngay cả xác chết rồi mà cũng còn bị mất... Như thế, đặt mình vào tâm trạng của bà, chúng ta mới thấy được sự xót xa buồn tủi là dường nào!
Tuy nhiên, giữa cảnh sầu thương tang tóc ấy, đã bừng lên một niềm vui vô đối, không gì có thể sánh bằng, đó là Tin Mừng Phục Sinh. Phần thưởng của Đức Giêsu dành cho bà chính là cho bà thấy Ngài và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào: “Maria”.
Gọi tên là dấu chỉ thân mật của Thầy và trò, của cha mẹ với con cái, của người mục tử với đoàn chiên. Gọi tên là dấu nhận và biết cách cụ thể, là bảo vệ chở che.
Vì thế, khi vừa nghe thấy Thầy gọi tên mình, bà đã vội vàng thưa: “Rapbuni” (nghĩa là: lạy Thầy).
Nếu việc gọi tên là dấu chỉ, cách thức cho biết người được gọi thuộc về người gọi và người gọi phải có bổn phận với người mà họ đã gọi, thì khi người được gọi nghe thấy và thưa lại chính là sự xác minh cách cụ thể mối tương quan trên.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Khi lãnh nhận Bí tích này, chúng ta được đổi tên thành Kitô hữu và được gọi vào hàng con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh.
Đứng trước hồng ân lớn lao đó, chúng ta không ngừng tạ ơn Chúa và lo sống xứng đáng bổn phận của mình. Nhất là trở nên chứng nhân của Chúa phục sinh trong môi trường và xã hội hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho chúng con biết nhận ra tình thương của Chúa khi Chúa phục sinh chúng con từ đau khổ, tội lỗi thành bình an, hạnh phúc và niềm vui qua Bí tích Rửa Tội khi mỗi người chúng con được mang một tên mới và thuộc về Chúa. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Ảnh: Internet
Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 20, 11-18
"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy".
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
Đó là lời Chúa.

TẠI SAO CHÚA PHỤC SINH HIỆN RA VỚI CÁC BÀ TRƯỚC CÁC TÔNG ĐỒ?

Tại sao khi sống lại, Chúa Kitô lại hiện ra cho các bà trước khi hiện ra cho các tông đồ?
Có một lần đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong một buổi tiếp kiến dành cho một nhóm phụ nữ, đã đặt lên câu hỏi tương tự cho các bà. Nhưng mấy bà chưa kịp suy nghĩ thì Ngài đã trả lời luôn: tại vì mấy bà bép xép hay nói. Nếu mà Chúa hiện ra với mấy ông trước, thì mấy ông chỉ gật gù hay cùng lắm là rủ nhau vào quán nhậu một chầu tán gẫu là hết; còn hiện ra với mấy bà thì chẳng mấy chốc mà tin đồn vang tới mọi hang cùng ngõ hẻm. Chúa rành tâm lý lắm! Dĩ nhiên là các bà nghe như vậy thì đắc chí cười ồ lên. Nhưng đó là chuyện xảy ra cách đây hơn 30 năm rồi, vào thời mà phong trào phụ nữ còn yếu. Ngày nay, nếu Giáo hoàng nào mà còn dám lý luận như vậy nữa thì chắc là sẽ bị phong trào nữ giới kiện ra toà án nhân quyền vì lỗi kỳ thị phái nữ. Do đó mà chúng ta thấy cần phải đi tìm câu trả lời khác, làm sao để mà tránh được sự kỳ thị phái tính, và nếu có thể được thì gắng bồi thường danh dự của mấy bà đã bị xúc phạm từ mấy chục thế kỷ qua.
Danh dự của phụ nữ đã bị xúc phạm như thế nào?
Ta hãy lật lại những trang viết về phụ nữ trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu thì biết. Người công chính mỗi ngày tạ ơn Chúa như thế này: “Chúc tụng Đấng đã không dựng nên con làm kẻ ngoại, bởi vì dân ngoại không là đồ gì trước mặt Chúa hết! Chúc tụng Đấng đã không dựng nên con làm đàn bà, bởi vì đàn bà không bị ràng buộc bởi điều răn Chúa! Chúc tụng Chúa đã không dựng nên con làm kẻ ngu dốt, vì kẻ ngu dốt không biết đâu là tội vạ cả!”. Sử gia Flavius Josephus cũng ghi lại tập tục pháp đình Do thái vào thời Chúa Giêsu là trong các vụ xử kiện không nên kêu các bà ra làm nhân chứng, bởi vì đàn bà nhẹ dạ và hay nói liều (Antiquitates Judaicae lib.IV, 8,15). Chính trong cái bối cảnh lịch sử đó mà ta thấy cái tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà, sai các bà loan tin cho các tông đồ rằng Ngài đã sống lại. Như vậy Chúa Giêsu trả lại danh dự cho các bà khi giao cho các bà vai trò làm nhân chứng cho Ngài, vào thời buổi mà người ta coi lời của phụ nữ không đáng tin cậy.
Chúa Giêsu có hiện ra với Đức Mẹ không?
Chúng ta đoán chắc rằng theo lẽ đương nhiên thì liền sau khi sống lại, Chúa Kitô đã đi gặp mẹ của Ngài ngay. Tuy nhiên, Phúc âm đã yên lặng về điểm đó. Tại sao vậy? Lý do là vì các thánh sử không chủ ý ghi lại hết tất cả các biến cố đã diễn ra theo kiểu một ký giả viết bài tường thuật ở nhật báo hay là một nhân viên an ninh phải thảo biên bản phúc trình. Ta đừng quên rằng khi viết sách Phúc âm, các thánh sử cùng chia sẻ một sứ mạng mà Chúa ủy thác cho các tông đồ, tức là rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Sách Phúc âm là một phương tiện chính yếu để thực thi sứ mạng đó. Vì thế không lạ gì mà các thánh sử chỉ ghi lại những lần Chúa hiện ra cho những người đã lãnh nhận ơn gọi và sứ mạng đi làm nhân chứng.
Trong số đó những người đi làm nhân chứng có cả các bà nữa, phải không?
Đúng như vậy. Và càng ngày, người ta càng lưu ý đến điểm này hơn. Trước đây bởi vì các sách thần học do các ông viết, cho nên các ông chỉ để ý đến những lần Chúa kêu gọi đàn ông, thí dụ các thánh tông đồ hay là 72 môn đệ. Từ ngày các bà bắt đầu nghiên cứu thần học, thì các bà mới vạch ra những đường lối cách mạng của Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu mà Chúa Giêsu chỉ kêu gọi các ông đi làm môn đệ thì có chi khác lạ với các rabbi Do thái đâu; cái mới lạ của Giao ước mới là ở chỗ Ngài kêu gọi cả các bà nữa, và Ngài đã thành công hơn nhiều. Bằng chứng là khi thuật lại cảnh đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá, thánh Matthêu ở chương 27, câu 55-56 đã viết rằng: “Có nhiều phụ nữ đứng gần kề, những người đã theo Chúa từ Galilê và đã phục vụ Ngài, trong số đó có Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê và Giuse, và bà mẹ của các con ông Zebedeo”. Hai câu văn ngắn ngủi nhưng gói ghém rất nhiều điều quan trọng. Thứ nhất, là ngay từ hồi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng giảng đạo ở Galilea, thì đã có một số phụ nữ đi theo Ngài. Nói khác đi, ngay từ đầu sứ vụ Ngài đã gọi cả người nam lẫn người nữ đi theo Ngài, và họ đã đáp lại tiếng gọi. Thứ hai, các bà hơn các ông một điểm là vào hồi Chúa bị đóng đinh vào thập giá thì các ông bỏ chạy trốn hết; chỉ còn các bà đứng lại chứng kiến; và tại vì chỉ có các bà chứng kiến cho nên chỉ có mấy bà mới biết và có thể làm chứng được, chứ các ông có biết gì đâu mà nói! Thứ ba, trong số biết bao phụ nữ đã theo Chúa Giêsu, Matthêu đã nhắc đến tên của ba bà: Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê, và bà mẹ của các con ông Zebedeo. Họ đã chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu; họ đã chứng kiến việc an táng Chúa (chương 27, câu 61); và họ là những người đầu tiên chứng kiến biến cố Phục sinh khi tới mộ Chúa (28, câu 1-10). Từ đó, kết luận số một: chứng tá của các bà mạnh hơn các ông bởi vì các bà đã theo dõi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, còn các ông biết được điều gì là vì được các bà kể lại cho nghe thôi. Kết luận số 2: trong cộng đồng các tín hữu của đức Kitô, các ông hãy khiêm tốn chịu lép vế đi. Kết luận số 3: Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc cách mạng xã hội quan trọng trong việc thăng tiến phụ nữ, nhưng mà trải qua hơn hai mươi thế kỷ, Giáo hội do mấy ông điều khiển cứ muốn dìm các bà xuống.
Và lại còn bôi nhọ các bà nữa, thí dụ coi Maria Madalena là một cô gái điếm hoàn lương.
Nói cũng hơi oan. Đâu có ai chủ ý bôi nhọ các bà đâu! Vấn đề là tại vì thời Trung cổ, ít khi có dịp đi viếng đất thánh nên nhiều người không sành địa lý của miền Palestina, từ đó mới có những chuyện giải thích sai. Câu chuyện như thế này. Các Phúc âm đều kể lại cảnh một phụ nữ xức dầu vào chân Chúa đang lúc Ngài đang dùng bữa. Bà ấy tên gì? gốc gác ra sao? Marcô (chương 14 câu 3) và Matthêu (chương 26, câu 7) chỉ nói trống là có một phụ nữ, nhưng không cho biết tên. Gioan chương 12 câu 3 thì nói là Maria chị của Ladarô. Dù sao thì sự việc xảy ra ở Bêtania, vì vậy mà người ta gọi bà ta là Maria Bêtania, chị em với Marta và Ladarô. Nhưng Luca, chương 7 câu 36 cũng có nói tới một cuộc xức dầu tương tự, do một người đàn bà tội lỗi; vì thế không lạ gì mà người ta gắn ghép hai cảnh với nhau. Có điều là Maria Bêtania không thể đồng hóa với Maria Mađalêna được, bởi vì Bêtania và Magdala là hai làng hoàn toàn khác nhau. Ngày nay, trong ngày lễ kính thánh Maria Mađalêna (22 tháng 7), bài Phúc âm không còn phải là cảnh phụ nữ tội lỗi rửa chân xức dầu cho Chúa nữa, nhưng là cảnh Chúa Phục sinh hiện ra với bà, và ủy thác cho bà đi loan tin cho các môn đệ biết biến cố Phục sinh. Nói rằng Giáo hội bôi nhọ các bà, nhất là bà Maria Mađalêna, thì cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì trong ca tiếp liên ngày lễ Phục sinh, chúng ta đã đọc thấy những lời sau đây: Dic nobis Maria, quid vidisti in via? Maria, bà hãy nói cho chúng tôi nghe, bà đã thấy gì dọc đường? Phụng vụ không có hỏi chứng nhân nào khác ngoại trừ Maria Mađalêna. Chính vì vậy mà thời Trung cổ, Maria Mađalêna đã được mang biệt hiệu là “apostola apostolorum”, tông đồ của các tông đồ. Maria đã được Chúa sai đi mang tin vui trọng đại cho các thánh tông đồ, những vị mà về sau cũng lại được chính Chúa sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Điểm này đã được đức Gioan Phaolô II nêu bật trong tông thư về “Phẩm giá phụ nữ” (Mulieris Dignitatem) số 16. Đâu có phải là trong suốt 20 thế kỷ qua Mađalêna bị hạ nhục đâu! Dù sao, chúng ta cũng phải ghi ơn các nữ thần học gia vì đã lưu ý các ông rằng các bà cũng được ơn gọi đi làm chứng nhân cho Chúa không những như các ông mà còn trước các ông nữa. Chưa hết đâu, các nữ thần học gia còn muốn lật ngược thế cờ, không những là cho mấy ông xuống hạng B mà còn khẳng định rằng chính các bà mới là biểu tượng của Giáo hội Chúa Kitô. (Ta có thể kết luận: do đó nếu các ông không biến thành đàn bà thì sẽ không đáng làm phần tử Giáo hội Chúa Kitô). Người ta lập luận như sau: trong bốn Phúc âm, thánh sử viết về Giáo hội nhiều nhất là Matthêu; thế nhưng người đề cao vai trò của phụ nữ hơn hết cũng là Matthêu. Vài bằng chứng. Trong gia phả của Chúa Giêsu, Matthêu xen tên của bốn phụ nữ, một điều hoàn toàn trái ngược với truyền thống Do thái thời đó. Suốt tác phẩm của mình Matthêu muốn cho thấy sự đối chọi giữa Giáo hội với Do thái giáo, vì người Do thái mù quáng không chịu nhìn nhận những lời tiên tri đã hoàn tất nơi Đức Kitô. Sự đối chọi ấy nổi bật hơn cả vào lúc Chúa ra đời và vào lúc Chúa sống lại. Hồi Chúa ra đời, sự đối chọi được biểu lộ giữa các học sĩ Đông phương, tượng trưng cho dân ngoại, đến thờ lạy Chúa, đối lại với vua Hêrôđê tìm cách giết hài nhi. Vào lúc Chúa sống lại, sự đối chọi được tượng trưng qua nhóm các người phụ nữ, đại diện cho Giáo hội, làm chứng biến cố Phục sinh, đối lại với các lính canh, tượng trưng cho Do thái giáo, muốn bịt miệng lại. Kết luận: cộng đồng Kitô hữu, gồm nên bởi dân ngoại và các phụ nữ, tức là những thành phần bị người Do thái coi khinh, thì nay được ơn đón nhận mạc khải của Chúa. Do đó mà nếu các ông không biết xếp hàng đứng sau các bà thì cũng sẽ bị loại. Tôi xin miễn bàn.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.
Ảnh: Internet
Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15
"Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".
Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu". Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
Đó là lời Chúa.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

CÂU CHUYỆN CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

Cứ mỗi đêm, một câu chuyện được kể, và một mạng người được thóat chết. Nhà vua cứ mãi lắng nghe, từng nhịp, từng nhịp, dòng chảy của thời gian. Cho đến khi không còn ai phải chết. Hai môn đệ trên đường Emmau, quay trở về Giêruselem và thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và họ đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.  
Như giữa hư và thực, các môn đệ bàng hoàng và ngây ngất, họ như tỉnh như say. Tâm trạng các môn đệ chất chứa đầy những hoang mang. Họ chụm vào nhau và kể cho nhau nghe những lần Chúa Giêsu hiện ra với họ. Đang lúc “tranh tối, tranh sáng” thì chúa Giêsu hiện đến, thế nhưng thay vì nhận ra Chúa thì các ông: “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Thật là tội nghiệp cho các ngài, như vừa trải qua cơn ác mộng, sự thất vọng và những nỗi chán chường đã gặm nhấm tâm hồn các Ngài. Làm sao mà có thể “bình chân như vại được”, khi câu chuyện Chúa Giêsu sống lại cứ ngày một lan xa. Thấy các học trò còn e dè, và thậm chí còn ngờ vực, Chúa Giêsu phải trấn an các Ngài: “Sao anh em lại hoảng hốt? sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 38-39 ). Chúa Giêsu lại tiếp tục kể cho các Tông đồ nghe, bắt đầu bằng kinh thánh: sách luật Mô-sê, các sách ngôn sứ và Thánh vịnh. Tâm hồn các Ngài chợt bừng tỉnh, Chúa Giêsu kéo họ ra khỏi những giấc mộng vàng của kiếp phù vân, Ngài sai các tông đồ ra đi và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh. Đấng phục sinh còn ăn uống trước mặt họ. Ôi quả thật hạnh phúc, các Tông đồ không còn nhát đảm và sợ sệt nữa, Đức Giêsu Phục sinh đã làm cho niềm vui của các ngài òa vỡ, không thể im lặng được, họ cùng nhau đi đến với muôn dân loan tin mừng Chúa đã sống lại. Và phép lạ phục sinh đã xảy ra, người ta sám hối, con người tìm về với Chúa, lương tâm mọi người thức tỉnh, họ bắt đầu phản tỉnh: “Thưa các ông, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cvtđ 2,37).
Câu chuyện phục sinh chẳng bao giờ khép lại, người ta cứ mải mê kể cho nhau nghe, “khi ấy…Đức Giêsu…”, và mọi người thay nhau kể về câu chuyện hai môn đệ trên đường đi Emmau. Ngày hôm nay, cộng động Emmau do cha Henri Groúes sáng lập, nhằm giúp những người không nhà, không cửa tự tay xây dựng đời sống cho chính mình đã có mặt tại năm mươi quốc gia với 250 cộng đoàn. 
Trong thánh lễ mỗi ngày, linh mục cùng với cộng đòan dân Chúa, tiếp nối sứ mạng đã được Đức Giêsu ủy thác để vẫn mãi kể về câu chuyện Đấng đã Phục sinh Alleluia !
Lm Giacôbê Tạ Chúc
Ảnh: Catholic Covers
Chúa Nhật Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Đó là lời Chúa.

"Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Ga 2,17)