Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một quyển tiểu thuyết
mang tựa đề "Hoàng tử và cậu bé nghèo". Chuyện kể lại tình bạn của
hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu
bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử,
lại là một cậu bé con nhà nghèo.
Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã
hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì
khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu
đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.
Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi
đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ
quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng
tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng tử
Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.
Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử
Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử
của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang
thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị
vua đạo đức và giàu lòng thương người.
Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để
hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để
chúng ta được mang lấy tước phẩm được làm con Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài
chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả
những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.
Mang lấy trong thân xác Ngài khổ đau của nhân loại, Chúa Giêsu đã tự đồng
hóa mình với từng người, nhất là những người khổ đau. Ðồng hóa mình với những
người đau khổ, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta con đường để gặp gỡ Ngài: Ngài
hiện diện trong những đau khổ, bé mọn nhất. Tiếp rước những người đó chính là
tiếp rước Ngài.
Thiên Ðàng là một gặp gỡ triền miên với Chúa, nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ
được chuẩn bị bằng những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân, chúng ta sẽ gặp được
Chúa. Chúng ta khước từ tha nhân, chúng ta cũng khước từ chính Chúa. Tha nhân
là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu
mến Chúa.
Nơi bàn thờ, vị linh mục đọc lại lời của Chúa Giêsu: này là Mình Ta, này
là Máu Ta... Khi chỉ cho chúng ta mỗi một con người, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ
nói: "Này là Mình Ta...".
Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc gặp gỡ này chỉ có ý nghĩa và
giá trị nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng biết nhận ra Chúa trong từng
cuộc gặp gỡ với tha nhân... Xin Chúa thêm Ðức Tin để chúng ta có thể nhận ra
Chúa Giêsu trong tha nhân, nhất là những người cùng khổ, bé mọn trong xã hội.
Trích sách Lẽ Sống
Ảnh: nhattacchaulong
Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Giáng
Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Lc 2, 22-35
"Ánh sáng đã chiếu soi các lương
dân".
Khi mãn thời hạn thanh tẩy
theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa,
như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là
của thánh, dâng cho Thiên Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề
luật Chúa là "một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con".
Và lúc đó tại Giêrusalem có
một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi
niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ
không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần
thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người
các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng
Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ
Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy
ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các
lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc
về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với
Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người
trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người
ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều
tâm hồn được biểu lộ".
0 comments:
Đăng nhận xét