Các thánh Anh Hài là câu chuyện được ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước đề
cập đến vụ thảm sát do Hêrôđê Cả - vị vua người Do Thái được Đế quốc La Mã bổ
nhiệm cai trị tỉnh Giuđê - đã thực hiện trong xứ thuộc quyền mình. Theo đó, sau
khi hay tin từ các nhà chiêm tinh cho biết có một vị vua người Do Thái mới được
sinh ra thì Hêrôđê đã ra lệnh giết tất cả các bé trai sơ sinh trong làng Bêlem
để diệt trừ hậu họa. Chưa có lời khẳng định nào về số lượng bé trai sơ sinh bị
sát hại trong vụ thảm sát này, tuy nhiên các học giả thời chúng ta ước đoán con
số đó không lớn, có thể chỉ vào khoảng 15 hay 20 em, vì Bêlem khi ấy là một
làng rất nhỏ với dân số ít. Các bé trai bị sát hại đã được Giáo Hội Chúa Kitô
tuyên phong là thánh tử đạo với danh hiệu “Anh Hài”. Lễ kính các ngài được long
trọng cử hành vào ngày 28/12 hằng năm.
Biến cố tử đạo của các thánh Anh Hài được thuật lại chi tiết trong Tin Mừng
Mátthêu: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì,
có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do
Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên
phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối,
và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế
và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả
lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê […]” Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm
tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy
đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã
tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói
thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ
đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. […] Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại
gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. […] Bấy giờ vua Hêrôđê thấy
mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi
giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống,
tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời
ngôn sứ Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen
khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.””
(Mt 2, 1-18)
Thiên Chúa có đáp lời cho cuộc tử đạo của các hài nhi không ? Thánh thi
Giờ Kinh Sách hát lên: “Tại sao Người mãi lặng thinh, ôi Thiên Chúa bí ẩn, khi
các hài nhi ngã gục dưới lưỡi gươm?" (đoạn 1). Chính trong cái chết của
các ngài, các thánh Anh Hài tử đạo tại Bêlem đã được cứu thoát bởi Đấng vừa
sinh ra - Đấng mà một ngày kia sẽ trao hiến “cả thân mình cho đao phủ” (đoạn 2)
và ban ơn tha thứ “cho cánh tay vấy máu” (đoạn 3). Các thánh Anh Hài là những
“hoa quả đầu mùa dâng lên cho Thiên Chúa và Chiên Con” (Ca hiệp lễ). Cho dù
“không thể tuyên xưng danh Con Thiên Chúa, các ngài đã được vinh quang nhờ ơn sủng
cuộc Giáng Sinh của Người” (Lời nguyện sau hiệp lễ). Thiên Chúa là nguồn cứu độ
cả cho những ai không có khả năng nhận biết Người (Lời Nguyện trên lễ vật).
Trong buổi Kinh Truyền Tin lễ các thánh Anh Hài ở Quảng trường thánh
Phêrô năm 2016, Đức thánh cha Phanxicô đã nhắc lại: “Lễ các thánh Anh Hài nhắc
chúng ta nhớ các vị tử đạo ngày hôm qua cũng như hôm nay. Chúng ta thắng điều ác bằng điều thiện, hận thù bằng tình yêu. Chúa
Kitô đã loan báo sự bách hại: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét.”
(Lc 21, 17). Tại sao thế giới bách hại Kitô hữu? Vì thế giới thích bóng tối để
che giấu các việc làm xấu của mình.” Đức Phanxicô giảng tiếp: “Biết bao nhiêu anh
chị em chúng ta ngày hôm nay bị ghét bỏ vì Chúa Giêsu, họ còn nhiều hơn vào các
thế kỷ đầu tiên. Cũng tàn ác giống như các thế kỷ đầu tiên. Chúng ta hãy nghĩ đến
tín hữu Kitô ở Irak. Các tín hữu Kitô vẫn mỗi ngày bị bách hại làm chứng cho đức
ái trong sự thật.”
Mặt khác, Giáo Hội còn kính nhớ các thánh Anh Hài như những vị thánh vô
danh, là những vị đã chết vì Ðức Kitô mà danh tính không được lịch sử ghi lại.
Có những Mẹ Têrêxa Calcutta, những linh mục Pierre mà thế giới không ngừng nhắc
đến, nhưng cũng có không biết bao nhiêu những người cha, người mẹ, người chồng,
người vợ ngày ngày âm thầm hy sinh trong không biết bao nhiêu công việc, bổn phận
vô danh, phiền toái. Có biết bao nhiêu người đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu
nguyện mà không thể thấy được kết quả lời cầu nguyện của mình. Có biết bao
nhiêu người âm thầm phục vụ tha nhân cách này hay cách khác mà không hề được đền
đáp hay nhắc nhớ.
Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy
giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi
Giêsu trong hang đá Bêlem, 30 năm âm thầm của Người tại Nadarét: đó là ý nghĩa
của cuộc sống phiền toái, đơn điệu mỗi ngày của chúng ta. Hài Nhi Giêsu mời gọi
chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế
Người muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong
muôn nghìn cách thế thi ân của Người mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài
sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của chúng ta được
Chúa dùng như cái bóng vô hình, nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho chúng ta
và cho người khác.
Góp nhặt
Ảnh: Internet
Ngày 28/12 Các Thánh Anh Hài
PHÚC ÂM: Mt 2, 13-18
"Hêrôđê giết hết các con trẻ ở
Bêlem".
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên
thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy,
đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông,
vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem
Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó
cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán
rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị
các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở
Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ
hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người
ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà
không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
0 comments:
Đăng nhận xét