Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Ở LẠI TRONG THẦY

Khái niệm “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt. Động từ này không chỉ diễn tả sự cư ngụ trong một khoảng không gian, nhưng nói lên sự gắn bó, liên kết, hiệp thông thiêng liêng với Chúa. “Ở lại” là tâm tình của người môn đệ trung tín với Thầy mình, kể cả lúc gian nan tăm tối. Chính Chúa Giêsu luôn luôn ở lại trong Chúa Cha. Người luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và bằng lòng trung thành. Các tác giả Tân ước kể lại, vào lúc khởi đầu một ngày mới, hoặc sau một ngày làm việc vất vả, Chúa Giêsu thường lánh ra nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta không biết rõ nội dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu những lúc ấy, nhưng chắc chắn đó là những tâm tình trìu mến và gắn bó thâm sâu. Chắc chắn Chúa Giêsu thân thưa với Chúa Cha về sứ mạng của Người và về những khó khăn Người gặp phải. Nhưng trước hết, đó là những tâm tình của người con thảo đối với Cha mình. Những giây phút cầu nguyện này tiếp thêm nghị lực cho Người, để Người đi cho đến cùng sứ mạng Thiên sai, mặc dù phải trải qua biến cố thập giá. Vào lúc cao điểm của thử thách, tức là trên cây thập giá, Chúa Giêsu vẫn “ở lại” với Chúa Cha bằng niềm phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
(Trích trong bài giảng của Gm Giuse Vũ Văn Thiên)
Ảnh: Internet
Thứ Năm Tuần V Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 15, 9-11
"Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".
Đó là lời Chúa.

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

CON NGƯỜI ĐỂN ĐỂ PHỤC VỤ

Ở đời người ta thường đua nhau tìm kiếm danh vọng và quyền lực. Danh vọng càng cao, quyền lực các mạnh, càng có lắm kẻ hầu người hạ, càng có tiền chất kho, chất lẫm. Vì tìm kiếm danh vọng và quyền lực, người ta sẵn sàng đối kháng với nhau, loại trừ lẫn nhau. Người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau để leo lên đỉnh vinh quang. Vì danh vọng, quyền lực người ta sẵn sàng lao vào những cuộc chiến bất khoan dung. Lịch sử đã từng chứng minh điều đó. Hitle đã từng đẩy cả thế giới vào chiến tranh loạn lạc chỉ vì tìm kiếm quyền bính của ông. Polpot đã từng xây dựng quyền bính mình trên hàng triệu mạng người. Thực vậy, quyền lực làm cho nhân loại chia rẽ lẫn nhau. Quyền lực làm cho tình người tan rã. Quyền lực là nguyên nhân cho những đố kỵ, ghen tương và thù hận. Cho dù quyền lực làm cho nhân loại khổ đau nhưng người ta vẫn lao vào tranh giành lẫn nhau. Vì dầu sao đi nữa, quyền lực vẫn đem về cho họ rất nhiều mối lợi cả tinh thần lẫn vật chất.
Năm 1986, sau 20 năm cầm quyền tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos đã trở về vui thú điền viên với gia tài kếch xù trị giá trên 10 tỷ mỹ kim. Đặc biệt là vợ ông chiếm hữu một lâu đài sang trọng với biết bao đồ vật quý giá như: 3.000 đôi giày đủ màu đủ kiểu còn mới tinh, 100 chiếc ví da hạng sang đắt tiền, hoá đơn một chiếc áo dạ vũ trị giá 107.000 mỹ kim … Ở Việt Nam ngày nay cũng không thiếu những quan gia có những đồn điền cao su thì mênh mông, có những đồng ruộng thì vô tận, có tài khoản thì bao la và nhà cửa thì vào bậc sang trong nguy nga. Xem ra quyền lực không chỉ mang lại cho con người uy quyền mà còn mang lại cho họ vinh hoa phú quý ở đời này, khiến họ trở thành một giai cấp thượng lưu hơn hẳn đám dân đen thấp cổ bé miệng.
Chúa Giê-su đến để nối kết tình nhân loại. Ngài không tìm quyền bính và danh vọng. Ngài không chạy theo những toan tính vụ lợi cho bản thân. Ngài đển để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Chính đời sống khiêm nhu xoá bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đã sống một cuộc đời phục vụ tha nhân một cách không mệt mỏi. Ngài đã phục vụ mọi người bất luận sang hèn, bất luận già trẻ. Ngài đã từng quỳ gối rửa chân cho các môn đệ. Ngài còn rửa chân cho cả Giu-đa kẻ sẽ bán ngài với giá 30 đồng bạc. Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó đến độ “sinh vô gia cư – chết vô địa táng”.
Vâng, Chúa Giê-su, Ngài đã thi hành quyền bính của mình là đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Đối tượng được Ngài phục vụ là các bệnh nhân, là những người nam, người nữ đang bị thần ô uế thống trị, là những con người nghèo khổ, bất hạnh đang bị bỏ rơi bởi đời sống thiếu vắng tình người của đồng loại. Tình thương đó đã được thể hiện trên  người bệnh nhân bị thần ô uế thâm nhập mà đoạn tin mừng thánh Marco tường thuật lại. Ma quỷ cũng nhìn nhận quyền bính của Ngài nên đã thốt lên: “Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Người đồng hương cũng nhìn nhận Ngài có đầy uy quyền trên môi miệng và nhân cách của Ngài. Họ đã khâm phục ngài vì “giáo lý thì mới mẻ, và người dạy lại có uy quyền”.
Người Kitô hữu cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Giê-su qua bí tích Rửa tội. Người Kitô hữu cũng được mời gọi dùng tình yêu để hoán cải lòng người, để hàn gắn những hố sâu ngăn cách của giầu nghèo, của địa vị sang hèn. Dùng tình yêu để phục vụ anh em, để dấn thân quên mình vì hạnh phúc của tha nhân. Sự hiện diện của người Kitô hữu phải là những ngọn nến sáng chịu hao mòn để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời. Người Kitô hữu phải là những hạt lúa chịu nghiền nát để dâng hiến cho đời những hương thơm của phục vụ, của bác ái và vị tha. Người Kitô hữu được mời gọi theo gương Thầy Giê-su biết dùng quyền để phục vụ, biết dùng tình yêu để hàn gắn những thương đau của chia rẽ và hận thù, biết lấy đức ái để sống vì lợi ích của tha nhân.
Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đến để phục vụ, ban cho chúng ta tinh thần xả kỷ hy sinh, biết sống cho tha nhân và vì tha nhân hơn là vun quén cho bản thân. Nguyện xin Chúa là Đấng đến để chữa lành tâm hồn và thể xác con người, xin cũng chữa lành tâm hồn chúng ta khỏi những ràng buộc của tội lỗi, của đam mê nhục dục để biết sống cao đẹp giữa mọi người. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Ảnh: Internet
Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 12, 44-50
"Ta là sự sáng đã đến thế gian".
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".
Đó là lời Chúa.

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

THÁNH MATTHIAS

Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Giuđa. Với tất cả những bàng hoàng chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân Ðược Chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?
Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu -- từ lúc Người chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Người dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.
Có hai vị hội đủ điều kiện -- Matthias và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Người thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào nhóm Mười Một.
Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.
Lời Bàn
Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào?
    Trích từ NguoiTinHuu.com
Ảnh: Internet
Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Năm C
Ngày 14/5 Thánh Mátthia, Tông Đồ
PHÚC ÂM: Ga 15, 9-17
"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ: Thầy gọi các con là bạn hữu".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.
"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.
"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".
Đó là lời Chúa.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

NGÀY CỦA MẸ

Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...
Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ. Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới... Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ.
Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin.
Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ...
Chúng ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ...
    Trích sách Lẽ Sống
Ảnh: Internet
Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 10, 1-10
"Ta là cửa chuồng chiên".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".
Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".
Đó là lời Chúa.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

CHÚA CHIÊN LÀNH

Vào năm 1943, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý. Và thế là viên chỉ huy Đức Quốc Xã liền ra lệnh bắt 50 người thế giá nhất của thành phố đem đi xử bắn để dạy cho dân thành một bài học.
Đức Cha chánh và Đức Cha phó đã cố gắng can thiệp nhưng không hiệu quả gì. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Thế rồi giây phút đen tối nhất đã đến. Tiếng còi hụ vang lên báo hiệu nhắm súng. Đức Cha chánh xin viên chỉ huy một đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị hành quyết. Ngài tìm cơ hội cho các nạn nhân được xưng tội để giao hoà với Chúa. May mắn thay, lời thỉnh cầu này được chấp nhận.
Nhưng cũng thật lạ lùng, bởi vì sau đó hai vị giám mục đã không trở về chỗ cũ, trái lại các ngài đã đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Cha chánh đã lên tiếng nói với viên chỉ huy: Không phải chỉ có 50 người, nhưng tất cả là 52 người chúng tôi. Ông còn quyết định bắn chúng tôi, thì xin hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.
Vừa dứt lời, bỗng từ bầu khí nặng nề của chết chóc vang lên tiếng reo hò, bởi vì các khẩu súng đang nhắm bắn đều hạ xuống. Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên đều thoát khỏi những viên đạn của tự thần. Hôm đó từ pháp trường ra về, mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng hát lời thánh vịnh: Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng như giấc mơ…
Hình ảnh hai vị giám mục đứng giữa những người bị xử bắn làm cho chúng ta nhớ tới Đức Kitô, vị mục tử nhân lành của chúng ta. Thực vậy, Ngài là Đấng thánh thiện và quyền năng, Ngài đã xuống thế làm người để trở thành một Emmanuel, nghĩa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài còn đồng hoá mình với chúng ta, là những kẻ tội lỗi. Không những thế, Ngài còn hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta khỏi án phạt của tội lỗi, như lời thánh Phaolô viết: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi. Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Còn chúng ta thì sao?
Là những con chiên trong đoàn chiên của Chúa, chúng ta cần phải lắng nghe và bước theo sự dẫn dắt của vị mục tử như lời Ngài đã phán: Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.
Hãy thực thi những điều Chúa truyền dạy, để nhờ đó chúng ta thực sự là những con chiên trong đoàn chiên của vị mục tử nhân lành là chính Đức Kitô.
Nguồn: Giáo phận Vinh
Ảnh: Catholic Covers
Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành
PHÚC ÂM: Ga 10, 27-30
"Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".
Đó là lời Chúa.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

THEO CHÚA

Câu chuyện kể rằng: mọi người đều vác một cây thập giá nặng nề, chậm chạp và khó khăn để đi về phía trước.
Một người đột nhiên dừng lại
“Chúa ôi! Thập giá này nặng quá! Cho phép con cắt nó đi một chút được không!”, người này kêu lên.
Rồi sau đó, anh ta cắt thập giá ngắn đi một chút.
Vác gánh nặng của thập giá và di chuyển, mặc dù có dễ dàng hơn trước chút, nhưng đường quá dài, và mọi người đều cảm thấy áp lực nặng nề của thập giá.
“Chúa ôi! Hãy để con cắt thập giá thêm một chút nữa để cuộc hành trình được dễ dàng hơn”. Người này tiếp tục cầu xin.
Rồi sau đó: “Cảm ơn Chúa, dễ dàng hơn nhiều rồi!”
Khi mà mọi người vất vả vác thập giá thì anh ta dẫn đầu nhóm và ngân nga hát một bài, vì đã không phải vất vả như mọi người và anh ta rất tự hào về cách di chuyển thông minh của mình.
Đột nhiên, phía trước xuất hiện một vực sâu.
Đến lúc này, mọi người đằng sau đã bắt kịp anh ta và dễ dàng băng qua vực sâu bằng thập giá của mình.
Anh ta cũng làm như mọi người để cố vượt qua vực sâu này. Nhưng…
Khi mọi người đã dần dần vượt qua vực sâu thì anh ta chỉ còn cách ở lại và hối tiếc. “Thập giá ngắn quá! Ta không thể vượt qua được! Giá như ta chịu gánh nặng của thập giá và biết yêu mến gánh nặng này thì ta đã không bị bỏ lại! Nhưng đã quá muộn cho mọi điều!”
Góp nhặt
Ảnh: Internet
Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70 (Hl 60-69)
"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa"
Đó là lời Chúa.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

Chàng Rô-bin-sơn trong câu chuyện “Rô-bin-sơn Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Nhưng đối với chàng thổ dân này thì “ăn gì bổ nấy”: ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm. Chả trách gì mà người Do Thái bị “xốc” khi Chúa Giê-su tuyên bố thịt máu Chúa là của ăn nuôi sống con người. Đúng là có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình. Nhưng để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa” dù là dưới dạng Bánh và Rượu của bí tích, thì phải được ơn ban đức tin. Vì thế, cần có lòng tin mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và hơn nữa cần có lòng mến để có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn.
Ảnh: Internet
Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 6, 53-60 (Hl 52-59)
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.
Đó là lời Chúa.


Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

HẠNH PHÚC QUA VIỆC TRAO BAN

Có một câu chuyện rất ngắn kể rằng:
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
Cuộc sống không thiếu những người vong ân bội nghĩa. Họ có tiền. Họ có của nên quên bè bạn, quên anh em. Có khi còn phụ ân tình của cha mẹ, họ hàng. Họ là những người “ăn cháo đãi bát”. Cuộc đời của họ chỉ cần tiền. Họ không cần bạn bè, không cần người thân. Đối với họ tiền là “trên hết”.
Giữa cuộc sống hôm nay, ai cũng cần tiền. Không chỉ cần tiền để xài mà còn cần tiền, kiếm tiền để được giầu sang. Người ta đua nhau giầu có hơn người. Người ta tìm mọi cách để kiềm tiền hơn người. Xã hội hôm nay cũng đánh gía nhau dựa trên đồng tiền. Kẻ có tiền được trọng vọng, được xem là kẻ thành công, người quý phái. Kẻ không tiền bỉ rẻ rúng, xem thường. Kẻ có tiền luôn đúng. Người không tiền luôn thiệt thòi.
Trích bài suy niệm của Lm Tạ Duy Tuyền
Ảnh: Internet
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói Ngài là bánh từ trời, bánh trao ban để ai ăn thì được sống đời đời.
Thứ Năm Tuần III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ trời xuống".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
Đó là lời Chúa.

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

HÒN ÐÁ NÉM ÐI

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".
Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".
Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.
Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình. Của lễ hy sinh trên thập giá củaChúa Giêsu đã nên trọn khi Ngài thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm".
Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng...
Tha thứ là nét cao đẹp nhất của lòng người, bởi vì càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa.
    Trích sách Lẽ Sống
Ảnh: Internet
Thứ Tư Tuần III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 6, 35-40
"Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".
Đó là lời Chúa.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

“TA LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG”

Mỗi ngày Việt nam đang phải đối đầu với bao cái ác hoành hành. Những cái chết của phi nhân bất nghĩa, của tình người băng giá, của đạo đức suy đồi, của tham lam bất chính. Đây phải là lúc chúng ta nhìn lại nhân sinh quan cuộc sống, tại sao giữa nền văn minh nhân loại lại đổ vỡ tình người, lại tan nát tất cả những luân thường đạo lý mà bốn ngàn năm văn hiến của cha ông đã gầy dựng?
Đạo lý làm người nay ở đâu? Con người có còn là “nhân chi sơ tính bản thiện” hay đã bị thoái hóa mất tính người? Con người biết thiện và ác, có khả năng tự chủ bản thân hơn loài vật, sao lại dễ dàng làm điều xấu, điều hại người hơn là làm điều tốt, điều cứu sống anh em? 
Là người Ki-tô hữu, ai trong chúng ta cũng tự hào vì mình là hình ảnh Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng tự hào mình vượt lên trên muôn loài muôn vật vì “nhân linh ư vạn vật”. Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng con người có tương giao với Thiên Chúa, với thần linh. Con người đến từ Thiên Chúa. Con người thuộc về Thiên Chúa, vì con người bởi Thiên Chúa mà ra. Nhưng liệu rằng, khi nhìn vào cuộc sống của chúng ta người ta có nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa hay người ta sẽ ngán ngẩm bảo rằng: cuộc sống của anh, suy nghĩ độc ác, ích kỷ, những ước muốn tầm thường, những lời nói giết người không dao của anh làm tan nát tâm hồn bao người,... tất cả chúng tôi nào có lạ gì, sao anh bảo anh đến từ Thiên Chúa tình thương và nhân lành? “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con yêu thương nhau”. Liệu rằng dấu hiệu ấy có được tỏ hiện qua lời nói việc làm của chúng ta hay không?
Cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su đã chứng minh Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Ngài đến để giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương. Ngài đi gieo vãi yêu thương. Ngài đi nối kết tình người. Ngài đi xoa dịu đau thương. Ngài sống một cuộc đời thanh thoát không lệ thuộc của cải danh vọng trần gian. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập. Ngài không kết án ai. Ngài luôn bao dung tha thứ. Ngài đã từng tha thứ cho cả kẻ gây nên nhục hình cho Ngài. Đỉnh cao của dấu hiệu yêu thương ấy là chết cho người mình thương.
Cuộc đời Ngài ví tựa tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Tấm bánh mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Tấm bánh làm vui lòng trẻ thơ cũng như người già. Tấm bánh hòa tan cho muôn người. Kẻ thấp hèn cũng như người giầu sang. Tấm bánh thêm sức mạnh cho mọi người. Kẻ no đầy cũng như người khát. Tấm bánh nối kết tình mọi người. Vì “bánh ngọt bẻ đôi” sẽ là nhịp cầu thân ái cho người với người gần nhau hơn. Tấm bánh đời Ngài ban cho thế gian để cho thế gian được sống và sống dồi dào. “Và ai ăn bánh này sẽ không phải chết bao giờ”. Đó là tấm bánh phục sinh. Bánh cải từ hoàn sinh. Bánh trao ban sự sống đời này và cả đời sau.
Phải chăng Ngài cũng mời gọi chúng ta đón nhận tấm bánh đời Ngài để sức sống, ân sủng, tình thương của Ngài thẩm thấu trong cuộc đời chúng ta, để chính chúng ta cũng trở thành tấm bánh trao ban bình an và hạnh phúc cho tha nhân?
Phải chăng Ngài cũng đang mời gọi chúng ta, không chỉ nhận ra mình mang nguồn gốc từ trời, mà phải sống và hành động như con cái của Chúa. Sống hoàn thiện mình mỗi ngày như cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Mỗi ngày chúng ta phải thanh tẩy mình khỏi mọi điều gian ác, khỏi những ước muốn tầm thường và mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu như Đức Ki-tô để dung nhan Thiên Chúa được tỏ hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Ước gì trong mỗi lời nói hành động đầy yêu thương bác ái của chúng ta mà các anh chị em chung quanh sẽ ngợi ca Cha chúng ta là Đấng ngự trên trời. Ước gì khi chúng ta nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, thì mỗi người hãy biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, đồng thời biết noi gương Chúa sống yêu thương anh em đồng loại của mình.
Nguyện xin Chúa Giê-su Thánh Thể là tấm bánh bẻ ra cho muôn người nâng đỡ và giúp chúng ta biết sống cao thượng, sống đúng với phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Amen
 Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Ảnh: Internet
Thứ Ba Tuần III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 6, 30-35
"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".
Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian". Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".
Đó là lời Chúa.

TRUYỀN GIÁO

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"
Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?
Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.
Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.
Trích sách Lẽ Sống

Ảnh: Internet
Thứ Hai Tuần III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 6, 22-29
"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".
Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến".
Đó là lời Chúa.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

DÙ CÓ CHỐI NHƯNG HÃY YÊU PHÊRÔ!

Sau khi Thầy trò đã ăn điểm tâm xong, Người bắt đầu phỏng vấn thủ lãnh Phêrô để trao cho ông sứ vụ mới: “Này anh Simon, con ông Giona, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”.
Thật tình, ông rất ngượng ngùng vì ông mới chối Thầy tới ba lần, mà giờ đây Người lại hỏi ông có yêu mến Thầy không? Mới phản bội mà giờ lại nói yêu thương, quả là rất khó khăn; hơn nữa. Người lại hỏi tới ba lần! Có lẽ Phêrô đang nhớ lại lời Chúa nói trước đây: “Kẻ nào được tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn”.
Và rồi ta thấy nét đẹp là Chúa đã tha thứ cho Phêrô ngay lúc Người quay xuống nhìn ông từ trên dinh thượng tế, khiến nước mắt ông tuôn trào.
Ba lần chối Chúa thì ba lần Người cho ông cơ hội để nói lời yêu thương, để tuyên xưng lại niềm tin. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội: “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và cũng ba lần, Người trao cho ông sứ mạng cai quản Hội thánh của Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.
Cuộc đời của chúng ta đôi khi cũng giống như Phêrô năm nào. Đã nhiều lần chúng ta chối Chúa, bỏ Chúa để chạy theo danh lợi thú trần gian. Đã nhiều lần chúng ta xúc phạm tới tha nhân trong lời nói và hành động. Và chắc chắn cũng có nhiều lần chúng ta bị mặc cảm vì những hành động tội lỗi của mình. Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta. Chúa vẫn tạo cho chúng ta rất nhiều cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa vẫn muốn trao cho chúng ta rất nhiều trọng trách trong việc hướng dẫn anh em. Dù rằng chúng ta không xứng đáng. Dù rằng chúng ta vẫn còn đó bản tính xác thịt yếu đuối. Chúa không muốn chúng ta mãi mãi sống trong mặc cảm tội lỗi, nhưng hãy chuộc lại lỗi lầm, hãy hết mình phục vụ cho danh Chúa được cả sáng trên trần gian.
Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà tha thứ cho nhau. Hãy tạo cho nhau những cơ hội để sửa lại lỗi lầm. “Ai nên khôn mà không dại một lần”. Ai cũng cần tình yêu để sống và cần sự tha thứ để tồn tại. Vì vậy, chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau và giúp nhau hoàn thiện con người của mình.
(Suy niệm của Huệ Minh)
Ảnh: Catholic Covers
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C
PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14 hoặc 1-19
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".
Đó là lời Chúa.

"Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Ga 2,17)