ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Yêu là một từ ngữ
được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người
ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ
thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực
cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã
đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.
"Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em". Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng
bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải
tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: "Như Cha đã yêu mến Thầy thế
nào, Thầy cũng yêu mến anh em như thế". Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ
cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn
ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái
tim Chúa Cha.
Tình yêu của Chúa
Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu
Chúa Cha.
Trước hết tình
yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của
con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu
những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một
số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy
lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một
ai dù lành dù dữ. Thế nên "Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như
người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác"
(Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: "Hãy xem chim trời,
chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông
huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ
áo đẹp hơn cả áo vua Salomon" (Lc 12,24-27).
Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu
thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người
làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những
không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. Vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người,
nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình
yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài
người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương
mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài
hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã
hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.
Tình yêu Chúa Cha
là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn
sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức
Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người
Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền,
bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn
đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ
nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải
chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ
mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi
ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng
(cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người.
Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người.
Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.
Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của
Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết
mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ,
cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ
không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận
chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững
và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Lạy Cha, xin cho
con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương
bằng tình yêu của Cha. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Từ trước tới
nay, bạn hiểu tình yêu thế nào?
2- Mỗi khi nghĩ đến
Đức Chúa Cha, bạn nghĩ đến đặc tính nào của Người: yêu thương, quyền năng, thưởng
phạt công minh...?
3- Đối với bạn,
yêu thương người khác dễ hay khó?
4- Hãy kể ra những
đặc tính của tình yêu của Chúa Cha.
Ảnh: Công Giáo
Cover
Chúa Nhật VI Phục
Sinh Năm B
PHÚC ÂM: Ga 15,
9-17
"Không có
tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy
cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh
Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh
truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các
con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được
trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã
yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì
bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy
truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ
làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha
Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái,
và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy,
Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu
mến nhau".
Lạy Chúa, Chúa yêu
con đến chết vì con trên thập giá. Xin cho con biết dùng tình yêu chân thành của
con để yêu Chúa trọn đời. Amen.
0 comments:
Đăng nhận xét