TT - Một lần dạy học sinh về lòng trung thực trong học tập cũng như trong cuộc sống, tôi đã sưu tầm những thước phim mang ý nghĩa đó cho các em
xem.
Nổi bật trong số ấy có clip Bài học tuổi thơ của chương trình “Quà tặng cuộc sống”.
Câu chuyện trong clip như sau: cô giáo ra đề kiểm tra “Hãy tả buổi làm việc ban đêm của ba em”, cậu con trai được điểm 8 về khoe với ba, kể lại cho ba nghe chuyện ở lớp vì sao cậu đạt điểm cao nhất trong khi bạn Sơn (tên nhân vật chính trong phim) học giỏi văn nhất lớp lại bị điểm 0.
Người cha hỏi con tả ra sao thì con trả lời: “Vì ba không làm việc ban đêm nên con tưởng tượng ba như là bác hàng xóm nhà mình vẫn hay làm ca đêm đó ba”.
Người cha ngạc nhiên khi nghe
con kể vậy, rồi hỏi bạn Sơn tả gì thì người con cho biết là Sơn để giấy trắng. Người con cho hay Sơn bỏ giấy trắng vì bạn ấy không có ba nên không biết tả gì. “Sơn mồ côi từ khi lọt lòng mẹ. Ba bạn ấy hi sinh khi làm nhiệm vụ. Từ ấy mẹ ở vậy nuôi Sơn khôn lớn”.
Nghe xong câu chuyện, người cha xúc động nói: “Cậu bạn của con thật đáng khen”. Còn người con cho rằng không nên làm như thế: “Nếu là con, con sẽ tả ba của đứa khác, không bao giờ chịu bị 0 điểm”.
Người cha liền giải thích cho con vì sao Sơn làm như vậy: “Con nhầm rồi, bạn Sơn của con bị 0 điểm, đó là một nỗi đau. Nhưng đối với con, đó là một bài học, bài học về sự trung thực. Sáng tạo trong trường hợp này đồng nghĩa là bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, bạn Sơn của con đã đúng. Cậu ấy đã để lại trang giấy trắng trung thực trong bài viết”.
Sau khi học sinh xem xong clip, tôi đặt câu hỏi: “Nếu chưa xem clip
này, gặp trường hợp như Sơn, các em có làm bài văn như vậy không?”. Cả lớp không đồng ý làm như Sơn, mà sẽ tả dối như người bạn được điểm 8. Tôi gọi vài học sinh hỏi vì sao làm như vậy, các em đều cho rằng sợ bị điểm thấp, chấp nhận viết dối để lấy điểm cao.
Sau đó tôi lại hỏi tiếp: “Bây giờ các em đã xem clip này rồi, các em đã có bài học quý về sự trung thực, vậy có em nào dám chấp nhận điểm 0, để giấy trắng?”. Tôi cho các em suy nghĩ và trả lời chân thật. Dẫu học trò khá hiểu về tôi,
quan điểm sống của tôi và được suy ngẫm từ clip, nhưng chỉ có vài ba em chấp nhận để giấy trắng.
Điều đó cho thấy rằng ngay từ khi bước vào tiểu học, người lớn đã dạy cho các em viết dối, bịa đặt để được điểm cao. Vì áp lực điểm số mà các em không dám chấp nhận bỏ giấy trắng để giữ sự chân thật, chịu nhận điểm 0. Kể từ đó tôi thường sưu tầm những thước phim có ý nghĩa giáo dục thiết thực từ đời sống để gieo cho các em lối sống đẹp, sự trung thực...
Đến bao giờ “văn học thật sự là nhân học” như nó vốn có? Biết bao giờ người lớn không vì áp lực điểm số, thành tích để dạy cho con em mình những điều giản dị, chân thật của văn chương, giúp các em chân thật từ lời nói đến hành vi trong cuộc sống? Quả thật rất khó làm điều đó nếu chúng ta cứ khư khư với bệnh thành tích, khư khư với những bài viết hay mà sáo rỗng, bịa đặt.
Mong sao ngay từ thời tiểu học (cũng như các bậc học khác) khi cánh cổng trường mở ra, thế giới kỳ diệu của các em sẽ là thế giới của những giá trị chân thật. Giá trị ấy bắt đầu từ người lớn. (Báo Tuổi trẻ - Thái Hoàng)
Thứ Sáu Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm C – Ngày 30/8 - T. Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ - lễ nhớ
Lời Chúa: Lc 10,13-16
13 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. 14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. 15Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! 16 "Ai
nghe anh em là nghe Thầy ; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy." "Hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời"
Lạy Chúa, xin dạy con biết trung thực và chân thành với mọi người. Amen.
0 comments:
Đăng nhận xét