Một linh sư nọ
rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần
đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách
nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng
sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây
là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh
đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi.
Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc
áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần
này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người
đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải
vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với
dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy
vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn
tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu
nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng
sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất
xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời
muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một
chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia
sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở
thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau,
khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc
nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp
đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng
hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử
mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là
cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách".
Vì chén cơm
manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người
ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh
áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai
cũng có thể rơi vào.
Ðầu một Năm Mới, tiến thêm một bước trong cuộc
hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sáng suốt để thấy được bậc
thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài ban thêm can đảm để trong
khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ sức khước từ mọi hành động bất
chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin Ngài ban thêm lòng quảng đại để
chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để chia sớt, để san sẻ với mọi người
khốn khổ.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Sáu Trước Lễ Hiển Linh (Mùa Giáng Sinh Năm B)
PHÚC ÂM:
Ga 1, 43-51
"Thầy
là Con Thiên Chúa, là Vua Israel".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu định đi Galilêa. Người gặp Philíp và nói với
ông: "Hãy theo Ta". Philíp là người thành Bếtsaiđa, quê quán của Anrê
và Phêrô. Philíp gặp Nathanael và nói với ông: "Đấng đã được Môsê ghi
trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông
Giuse, người thành Nadarét". Nathanael đáp: "Bởi Nadarét nào có cái
chi hay?" Philíp nói: "Hãy đến mà xem". Chúa Giêsu thấy
Nathanael đi tới mình, thì nói về ông: "Đây thật là người Israel, nơi ông
không có gì gian dối". Nathanael nói: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa
Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philíp gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây
vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy
là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói
với ngươi rằng Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc
cao trọng hơn thế nữa".
Và Người nói với ông: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các
ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con
Người".
Đó là lời Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, xin thêm cho con lòng khao khát tìm gặp
Chúa, để con được Lời Chúa đổi mới tâm hồn con. Amen.
(Thanhlinh.net)
0 comments:
Đăng nhận xét