Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

TRƯỜNG SINH BẤT TỬ

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại vì thế chúng bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị quý như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà cha. Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.
Trích sách Lẽ Sống
Ảnh: Internet
Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên Năm Chẵn
Ngày 30/11 THÁNH ANDRE TÔNG ĐỒ
PHÚC ÂM: Mt 4, 18-22
"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".
Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Lạy Chúa, các môn đệ nghe tiếng Ngài liền bỏ tất cả để đi theo. Xin cho con cũng được lòng sẵn sàng bước đi như các môn đệ Chúa. Amen.

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

VUI ÐỂ ÐỢI CHẾT

Theo giai thoại của người Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày giao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: "Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?".
Khải Kỳ thưa: "Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu... mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?".
Lạc quan, vui sống là đức tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống chi con người là hình ảnh của Người... Mỗi ngày có niềm vui nỗi khổ của nó. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.
Trích sách Lẽ Sống
Ảnh: Internet
Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên Năm Chẵn
PHÚC ÂM: Lc 17, 26-37
"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.
"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.
"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.
"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".
Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".
Lạy Chúa, xin cho con biết sống trọn lành để được Ngài thương đến. Amen.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

THÁNH ALBERT CẢ

(1206-1280)
Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.
Các sinh viên triết biết đến ngài như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của ngài về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.
Ngài là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giàu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ ngài đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, ngài vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây ngài gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu.
Sự lưu tâm vô bờ của ngài đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục ngài viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Ngài nói, "Mục đích của chúng tôi là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được."
Ngài đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg. Ngài bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống với sự tấn công của William ở St. Amour, và giúp Thánh Tôma chống với tà thuyết Averroist.
Ngài từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931.
Lời Bàn:
Kitô Hữu ngày nay phải đối diện với sự tràn ngập kiến thức trong mọi lãnh vực. Họ cần đọc báo chí Công Giáo ngày nay để biết được phản ứng của Giáo Hội trước những khám phá mới về khoa học xã hội, về lối sống người Kitô Hữu cũng như thần học Kitô Giáo. Khi phong thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của ngài. Tính hiếu kỳ của thánh nhân đã khiến ngài đào xới trong kho tàng khôn ngoan của triết học mà Giáo Hội thời ấy đang sôi nổi với những khó khăn.
Lời Trích:
"Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện. Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp" (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)
Trích từ NguoiTinHuu.com
Ảnh: Internet
Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên Năm Chẵn
Ngày 15/11 Thánh An-be-tô Cả, giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
PHÚC ÂM: Lc 17, 20-25
"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: 'Này nước trời ở đây hay ở kia'. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
Lạy Chúa, xin cho con biết học hỏi, biết đem kiến thức mình có được làm bác ái cho chính mình và tha nhân chứ không vì tư lợi, vì danh vọng. Amen.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

ĐÒN BẨY VÀ ĐIỂM TỰA

Archimedes đã từng tuyên bố: “Hãy cho tôi một đòn bẩy đủ dài và một điểm tựa; tôi sẽ bẩy cả thế giới này.”
Nhiều người tưởng rằng không thể có một đòn bẩy như thế và một điểm tựa như thế. Song đòn bẩy và điểm tựa đó hoàn toàn có thật, và xưa nay rất nhiều người đã từng sử dụng.
Đòn bẩy đó có tên là ĐỨC TIN; điểm tựa là THIÊN CHÚA; còn lực tác động vào cánh tay đòn là CON NGƯỜI.
Sưu tầm
Ảnh: Internet
Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên Năm Chẵn
PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Lạy Chúa, Ngài là nơi con nương mình. Xin ban cho con ơn bình an. Amen.

VIỆC BỔN PHẬN

Trong xã hội ngày nay có rất nhiều tổ chức bác ái, hội đoàn từ thiện để giúp đỡ những người khốn khổ bần cùng có được một cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn. Không chỉ thế, cũng có những cá nhân, những công ty xí nghiệp luôn dang rộng vòng tay để giúp đỡ những vùng nghèo đói, những con người đau khổ và khó khăn. Đó là những nghĩa cử cao đẹp của tình người dành cho nhau. Thế nhưng, cũng không có ít những tổ chức, những cá nhân và cơ quan làm từ thiện cốt để lăng xê tên tuổi nhằm làm cho nhiều người biết tới. Mục đích của họ chỉ là tính đường lâu dài cho lợi ích của mình mà thôi, chứ việc làm bác ái chỉ là một phương tiện trong nhiều phương tiện kinh doanh của họ.
 “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Lời Chúa hôm nay mở ra một lối nhìn mới về việc phục vụ của mỗi người chúng ta trong thế giới hôm nay. Những việc làm bác ái từ thiện, hay cả những việc phục vụ nhỏ bé dành cho anh chị em mình không phải là một hành động do chính tôi ban phát cho người khác khi tôi thấy họ tội nghiệp, thấy họ đau khổ hay thấy họ khó khăn. Quả thực những hành động đó chỉ là một phần trách nhiệm mà tình người, tình đồng loại đòi buộc tôi phải làm, đó là bổn phận tôi phải có đối với những người anh chị em mình. Sâu xa hơn, chúng ta phải cảm nhận được tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Một tình yêu không xuất phát từ mục đích lợi lộc, không xuất phát từ sự tính toán hơn thua, nhưng đó là một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu nhưng không. Chỉ khi cảm nhận được điều đó, chúng ta mới thấy mình nhận được tất cả từ Thiên Chúa là do tình yêu, và vì thế, những hành động bác ái nơi chúng ta cũng phải được xuất phải từ tình yêu vô vị lợi này. Chỉ khi chúng ta cảm nhận mình được yêu thương thì những hành động của chúng ta mới thấm nhuần tình yêu thương thực sự, và mới có ý nghĩa chân thật nơi hành động của mình. Đó chính là giá trị của việc phục vụ, được xuất phải từ một tấm lòng chân thành nơi bản thân, và sâu xa hơn là xuất phát từ chính tình yêu Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Qua đó, những hành vi yêu thương của chúng ta dành cho người khác là những hành vi của một tình yêu thương cảm thông và chia sẻ, một tình yêu trao ban và dấn thân, như chính tình yêu Thiên Chúa đã dành cho con người qua Đức Giêsu, Đấng là yêu thương trọn vẹn và triệt để cho con người.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều được Chúa yêu thương, dù cách yêu thương mà Chúa dành cho mỗi người chúng con đều không giống nhau, nhưng tình yêu đó đều thấm đượm trong cuộc sống mỗi ngày của chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con biết cảm nhận cách sâu xa tình yêu của Chúa, để từ đó trong mỗi ngày sống, chúng con biết đem tình yêu của mình mà yêu thương và phục vụ người khác cách chân thành và khiêm nhường như chính tình yêu thương và sự phục mà Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
Phêrô Dương Hải Văn SDB
Ảnh: Internet
Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên Năm Chẵn
PHÚC ÂM: Lc 17, 7-10
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm' ".
Lạy Chúa, Chúa yêu con theo cách của riêng Ngài. Xin cho con biết nhận ra tình yêu đó và đem nó đến cho những người bên cạnh con. Amen.

"Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Ga 2,17)